Hậu Chí Phèo
Phan_4
Bất ngờ, những cán bộ chủ chốt của làng đồng thanh:
– Cụ ạ, chúng con cũng đã tính cả rồi ạ. Cụ yên tâm đi.
Không phải quan sát gì nhiều, cũng thấy tay Chí đồng ý. Cũng chẳng nói lại gì nhiều, tay Chí cũng chỉ hạ mỗi câu: “Được”.
Tuy đã nhận được lời “vàng” của tay Chí, cán bộ có người vẫn còn lo lắng, hỏi:
– Ngỡ đến phút đại hội, cụ Chí thay đổi quyết định thì sao?
– Không ngại. Không ngại. Cụ Chí đã nói “Được”, nhất định cụ không thay đổi nữa, bởi cái vết sẹo còn đỏ hoẻn trên má cụ có giật giật lên đâu?
Mặc dù được Uỷ ban cam kết, tay Chí vẫn là lãnh tụ danh dự của làng Vũ Đại, nhưng ngoài nhiệm vụ viết hồi ký, uống rượu, nhìn chung, tay Chí không còn việc gì làm. Nhưng đã không rít tàn điếu thuốc lào trên điếu bát thì khả năng “nhập tửu” tất nhiên cũng kém dần. Những người sành uống rượu nhận định, đó là dấu hiệu đầu tiên đi tới cái chết. Sức khỏe tay Chí đã suy thoái tới giới hạn cuối cùng. Còn có thể chứng minh thêm điều này bằng nhu cầu chuyển “bữa” của tay Chí. Đang nghiện giò chả lụa, chả quế, hắn chuyển sang thèm những bữa rượu đạm bạc có ổi xanh, chuối xanh nhắm với muối trắng trộn ớt. Theo tay Chí, ổi xanh, chuối xanh và muối trắng là những thứ nhắm tuyệt diệu. Ăn uống say có thể đánh được một giấc ngủ dài. Hắn bảo, chính nó đã kéo dài tinh thần sảng khoái cho hắn. Nhưng, tuổi già, dù khỏe mấy cũng như ngọn đèn dầu trước gió, giấc ngủ cũng không cứu vãn được cái chết đang đến gần với hắn. Mà tay Chí mắc bệnh gì mà chết? Cũng thật khó kết luận. Hiện tượng lâm sàng hết sức phức tạp. Lúc thì thân thể hắn hâm hấp nóng. Lúc thân thể hắn lành lạnh như đồng. Lúc hắn kêu đau đầu, lúc hắn kêu đau bụng, lúc mệt mỏi ở đôi bắp chân… Để cứu nhà cách mạng kỳ cựu còn lại duy nhất ở làng Vũ Đại, con cháu làng Vũ Đại, tập thể lãnh đạo làng Vũ Đại đã tìm đủ thuốc, đủ thầy. Nhưng bao nhiêu thuốc thang, bao lời chỉ dẫn của các bác sĩ, cả các ngài lang băm đều không làm cho bệnh tình của hắn thuyên giảm.
Ôi! Âu cũng là cái bệnh già. “Còn nước, còn tát” cho trọn đạo là được rồi.
Biết tay Chí thèm chuối xanh, ổi xanh là tay Chí “trở” để đi. Nhưng đến khi hắn “đi” thật rồi, nhiều người lại phàn nàn: “Không ngờ cụ Chí lại đi nhanh như thế!”.
Làng Vũ Đại, nhiều người kể rằng:
Đứa cháu nội của tay Chí, con tay làm Giám đốc nhà máy lớn của làng, về ở với hắn. Có nó, một là để hắn đỡ cô đơn tuổi già, hai là để giúp hắn viết hồi ký. Đứa cháu tay Chí, tuy mới đọc thông, viết thạo mà hắn đã rất cuội. Một hôm, hắn đang đọc đoạn: “Cụ Chí từ một người lương thiện, có nhân phẩm trở thành một tên lưu manh, vấy máu là do chế độ thực dân, phong kiến gây ra”, thì hắn quan sát thấy tay Chí từ từ nhắm mắt lại. Tức khắc, hắn đọc hồi ký liến thoắng, nhằm vừa làm cho tay Chí ***ng mê, vừa kiểm tra độ thức của tay Chí. Hắn liến thoắng đến nỗi người thính tai cũng chỉ lờ mờ đoán định: lật đổ, cách mạng, chính quyền, vô sản, hay một điều gì đó tương tự. Đọc một thôi, không thấy tay Chí “húng hắng” gì, hắn tưởng tay Chí đã ngủ, nhẹ nhàng đứng dậy, thận trọng như một con mèo bắt mồi, bước ra cửa từng bước một. Nhưng, hắn vừa mới bước một chân qua bậu cửa, đã nghe tay Chí chửi:
– Sư cha chúng mày. Tưởng ông đã chết rồi hẳn?
Thằng bé giật mình, quay phắt lại, vội liến thoắng:
– Đi đái cái. Đi đái cái đã.
– Sư cha con mẹ mày. Đái ỉa gì suốt ngày. Mày tưởng ông đã chết rồi hả?
Thằng bé không tỏ vẻ lo sợ, vẫn cứ đi. Chờ thằng bé quay lại một lúc không thấy, tay Chí lại nằm xuống giường, nhắm mắt lại. Tay Chí không ngủ. Hắn đang ngẫm nghĩ:
“Kể ra lục phủ ngũ tạng của mình còn tốt. Thế mà tại sao không khỏe hẳn lên được? Cứ nóng, cứ lạnh, quặt quẹo luôn. Suốt thời đương chức, lúc nào mình cũng khỏe như một con trâu mộng. Thế mà, nghỉ hưu cứ yếu dần, yếu dần. Tại sao? Tại sao?”. Nằm chán, tay Chí lại chống tay xuống giường nâng mình lên. “Tại sao? Tại sao?”. Câu hỏi cứ treo lơ lửng trong đầu hắn suốt từ ngày này sang ngày khác. Hắn đưa tay lên ôm đầu vần vò. Rồi bất ngờ hắn nằm im, đôi mắt trân trân hướng lên bàn thờ. Một tia sáng yếu ớt lóe lên trong đầu hắn: “Hình như thời trai trẻ, mình cũng có một lần mệt như thế này? Chữa bằng gì? Chữa bằng gì? Chữa bằng… Chữa bằng…” Hồi hộp quá, mồ hôi hắn úa ra. Bỗng hắn đập mạnh chân xuống giường, vùng ngồi hẳn dậy: “Nhớ rồi. Nhớ rồi”. Hắn lẩm nhẩm. Rồi hắn reo toáng lên: “Chính ta đã nhớ ra rồi! Chính ông đã nhớ ra rồi!”. Bất ngờ hắn chửi toáng lên:
– Đồ ngu! Cả làng Vũ Đại đồ ngu. Có cái bát cháo hành cũng đéo chịu nghĩ ra. Bay đâu. Bay đâu…
Chửi xong, tay Chí nấc lên và đưa tay ôm mặt khóc.
Phần I d
Chao ôi! Tiếng khóc của người già nua, lần đầu tiên cất lên từ sâu thẳm tâm can, mới nhọc nhằn và đau đớn làm sao. Đôi mắt hắn, lúc trợn lên, lúc nhắm nghiền lại, những thớ cơ bên hai mắt lúc giãn ra, lúc dúm lại như cùng cố ép cho đôi mắt già nua của hắn ứa ra một vài giọt nước. Không có giọt lệ nào chảy ra, hai mắt tay Chí đỏ lên như mòng gà chọi. Như gió lốc trên sa mạc cát bỏng, tay Chí một mình vật lộn trên giường. Lúc hắn đạp thình thịch xuống giường, lúc hắn vò đầu, bứt tai, lúc hắn đấm vào ngực, lúc hắn lại chổng mông lên trời gào, rú. Nhìn hắn, chẳng khác gì một con *** điên, sắp đến giờ ngoẻo. Nước mắt không thể chảy, hắn lại càng gào, rú ghê sợ hơn. Hắn chửi làng Vũ Đại như một bậc trưởng lão chửi đồ đệ:
– Đồ ngu. Cả làng Vũ Đại đồ ngu. Toàn đạn thối cả mà không biết. Bà Ba ơi! Bà ở đâu? Ở đâu? Thị Nở ơi! Em ở đâu? Ở đâu? Ở đâu? Những đứa con của ta ơi! Các con giờ ở đâu? Ở đâu? Ở đâu???
Đứa cháu nội của tay Chí là người thực hiện mệnh lệnh của hắn: Nấu cháo hành cho hắn. Khi niêu cháo gạo đã nhừ, theo lệnh của tay Chí, hắn ra vườn nhổ hẳn mấy cụm hành. Chẳng thèm rửa ráy gì, hắn dùng dao cắt cả dọc lẫn củ vào cháo. Xong xuôi, hắn bắc ra cho tay Chí ăn.
Tay Chí ăn say sưa lắm! Mồ hôi hắn túa ra đầm đìa. Hắn thấy trong người khoan khoái, dễ chịu ngay. Hắn nghĩ: “Quả là cháo hành hiệu nghiệm thật”. Ăn xong, hắn nằm xuống ngủ. Chỉ chừng mười phút sau, bất ngờ hắn lên cơn đau bụng quằn quại. Hắn quằn quại (như tôi kể lúc đầu) đến vài ba ngày rồi mới “đi”.
Sau này, dân làng Vũ Đại phán rằng: Chính niêu cháo hành đã làm lành bệnh tay Chí. Nhưng do hành mới phun thuốc sâu vô-pha-tốc hôm qua, thằng cháu lại không rửa ráy gì, nên tay Chí ăn vào bị nhiễm độc. Lẽ ra, hắn chết ngay tức thì, nhưng nhờ có cháo hành, loại thuốc thần hiệu đối với hắn, đã không để hắn chết ngay, mà quằn quại tới ba ngày sau mới chết.
Sau khi tay Chí mồ yên mả đẹp, dân làng Vũ Đại bắt đầu tính chuyện dựng “bia” để đời cho hắn bằng cách bàn tính chuyện xuất bản tập hồi ký của hắn. Kể, hồi ký của tay Chí cũng thật hấp dẫn, đáng đóng góp cho kho tàng văn học “của làng” lắm. Tôi xin lược trích ra đây, đoạn nói về con đường dẫn tới sự nghiệp của hắn.
Tay Chí viết:
“Tôi phải gào lên cho thiên hạ biết cái đã:
– Lương thiện! Hãy trả lương thiện cho tao!
Ai trả lương thiện cho tao? Bất lực, tay tôi cầm mảnh chai vỡ, sắc, rạch mạnh vào mặt mũi. Mạnh tay quá, máu tuôn ra, chảy vào mũi, chảy xuống miệng, chảy xuống cổ, xuống ngực, thấm vào áo, đầm đìa. Tôi ghê cả người và tiếp tục gào to:
– Lương thiện! Hãy trả lương thiện cho tôi!
Sau lần đó, tôi bị chúng nó tống ngục. Sau khi ra tù, tôi nhìn đời chẳng còn gì đau đớn lắm nữa. Nhưng căm thù bố con Bá Kiến thì ngày một ấp ủ, sục sôi. Tôi muốn cầm dao rạch bụng bố con Bá Kiến cho hả. Nhưng, thế lực Bá Kiến, Lý Cường mạnh quá, lại đi đâu hắn cũng đem súng đi cùng, tôi cũng chờn chờn. Chưa trả được hận, tôi đã có biết bao lần thề dưới trăng, nguyện không đội trời chung với chúng. Thời gian này, dân Vũ Đại thấy tôi càng uống rượu dữ hơn, nhưng lại ít thấy tôi nói, cười. Vì sao tôi uống nhiều rượu? Tôi uống rượu nhiều là nhằm quên đi sự cay đắng, bất công của cuộc đời do bố con Bá Kiến gây ra. Tôi ít nói, ít cười nhằm tĩnh tâm để nghiền ngẫm lòng căm thù thêm sắc nhọn. Dạo đó, mắt tôi cũng hay trợn lên, nhìn cái gì cũng trừng trừng như người sắp gây sự. Có người nói, lúc đó, mắt tôi thường vằn lên những sợi máu đỏ, lòng đen biến đi, trông con mắt chỉ ánh lên toàn màu trắng dã. Làng Vũ Đại có người hỏi, tôi cũng chỉ ậm ờ cho qua chuyện, hiếm khi có một câu trả lời nghiêm chỉnh, hoặc đầy đủ. Tâm ý tôi là nung nấu và luôn mài sắc chí căm thù, chờ dịp. Dạo đó, tự nhiên tôi tin, lòng căm thù đã nói ra ở cửa miệng, thì vợi đi ở trong lòng.
Thú thật, chỉ canh cánh trong lòng mối hận thù đó mà tôi không biết rõ ràng cao trào cách mạng đang dâng lên ở làng Vũ Đại. Tôi cũng không cảm nhận thật rõ khí thế sôi sục của quần chúng lúc tiền khởi nghĩa. Tôi như thằng phớt đời, chán đời. Trông cái bề ngoài vớ vẩn này, dân Vũ Đại ít có người biết rằng lúc nào tôi cũng gài lòng căm thù thực dân, đế quốc trong xương tủy. Họ không biết rằng, tôi đang cháy lòng đợi dịp.
Vận may đời tôi đã đến:
Một buổi sáng tháng tám, trời xanh, tình cờ tôi thấy có một đoàn người quần áo xanh, thắt đai ngang bụng gọn ghẽ, tay cầm hai loại cờ (một búa liềm, một sao vàng) đều đỏ, từ dưới bờ sông Vũ Đại chạy lên. Họ vừa chạy, vừa hô: “Đả đảo đế quốc, phong kiến. Người cày có ruộng. Cơm áo về cho nông dân”. Cùng với đoàn người xuất hiện, tự nhiên tôi nghe chiêng trống làng Vũ Đại rộ lên.
Lúc đó, tôi đang ngồi ở góc chợ uống rượu và nghiền ngẫm mối hận thù. Khi đoàn người chạy qua chợ, tự nhiên tôi thoáng nghĩ: “Lại cái bọn ăn cướp ngày, ngụy trang là cách mạng, đi làm ăn ở đâu về”. Nhưng khi nghe trong đoàn có người hô: “Cách mạng muôn năm” thì tôi hiểu ngay sắp xảy ra chuyện lớn rồi. Thế rồi, không khí chợ cứ chộn rộn lên. Rồi chợ vỡ, thoáng một cái, tôi thấy thằng Lý Cường mặt tái xanh, tái xám đang chạy thục mạng ngược với bước tiến của đoàn cách mạng. Tôi định lao ra, nện cho nó một chai rượu, nhưng chợt nhớ tới Bá Kiến, tôi bỏ hắn chạy về cổng nhà Bá Kiến. Khi tôi chạy tới nơi mà tôi hằng căm thù, thì đoàn người đã phá xong cổng nhà Bá Kiến, nhưng chưa có ai dám xông vào. Chắn giữa cổng là mấy chục con *** lai tây xếp thành ba, bốn hàng đang cố sức chắn đoàn người ngay từ đầu cổng. Con nào cũng tỏ ra hung hãn, răng trắng nhởn, nhọn hoắt, nhe ra; chân luôn cào sồn sột xuống nền gạch, miệng gầm gừ, đến là khủng khiếp. Tôi đã thấy mấy lần, đoàn người tay nắm tay đồng loạt xông vào, nhưng xem chừng đàn *** không nao núng, lại phải lùi lại. Khi tôi đến nơi và đang đứng thở thì đoàn người lại quyết tâm xông vào một lần nữa. Nhưng cả chục con *** lai tây cùng một lúc chồm lên, nhằm cổ tay, họng đoàn người mà ngoạm. Bất ngờ, tôi nghe một ai đó bị *** cắn kêu lên. Đoàn người lại một lần nữa phải lùi lại. Bực mình, quên cả nhọc, tôi bước tới, rẽ đám đông bước vào. Đứng giữa cổng nhà Bá Kiến, tôi ngửa cổ lên tu nốt phần rượu ở trong chai. Bình tĩnh ngắm cái chai không một chút, tôi vung tay ném mạnh vào giữa sân. Đàn *** nhà Bá Kiến mới tinh khôn làm sao! Chai vỡ, chúng chỉ chịu ngoảnh lại một khắc, rồi tiếp tục chĩa cái mõm *** đen ngòm hướng về phía đám đông. Mọi người chừng như nao núng. Cáu quá. Điên lên, tôi quát đại lũ ***:
– Cút.
Không ngờ, chỉ một lời cộc lốc ấy mà xong chuyện. Đàn *** tinh khôn nhà Bá Kiến đã nhận ra tôi, chúng cụp đuôi, cụp tai lủi mất. Đoàn người được dịp ùa vào. Tôi nghe ầm ầm, những tiếng la thét:
– Bá Kiến đâu?
– Bá Kiến đâu?
Bá Kiến bị đập chết tươi ngay từ phút đầu đoàn người xông vào. Ai giết Bá Kiến? Thật khó mà trả lời, khi nhiều người chung mối hận thù, cùng một lúc xông vào. Khi Bá Kiến còn đang thoi thóp, mọi người kéo hắn ra giữa sân. Và khi Bá Kiến chỉ còn như một búi giẻ rách tơi tả nằm bất động ở giữa sân, nhiều người nhìn mà thấy tiếc. Tội ác của làng này từ nó mà ra cả. Nó chết rồi, biết đấu tố thế nào? Vả lại, nhìn máu me đầy mình trên người, và bộ râu trắng dài vấy máu, thật chả ai nỡ còn lòng nào.
Dân làng hỏi:
– Làm sao bây giờ?
– Làm sao được, đem chôn chứ còn làm sao. Lũ con cháu nhà nó đâu có theo được Lý Cường mà trốn hết. Mấy con vợ của Bá Kiến còn sờ sờ ra đó, lo gì không đấu được.
– Bà Ba cũng là con mụ ác độc. Cái con đĩ thối thây ấy, ngày xưa ai chả từng làm thuê cho nó? Hắn sợ ta ăn hết nhiều gạo nhà nó nên nấu cơm nếp, lần nào cũng trộn mỡ vào để ta ăn cho ***ng chán. Trong khi có người kể thì có người rít lên trong cổ họng:
– Mày… Mày…
Có người la hét:
– Lôi cổ nó ra đây!
Làng Vũ Đại bình luận: Đấu bà Ba thì đúng rồi. Nhưng lão Bá Kiến nằm kia, lão Lý Cường chạy trốn, mà không đấu thì bất công quá. Cần phải đấu vào giữa mặt nó mới hả.
Để tìm ra biện pháp, cả làng Vũ Đại phải họp lại, thảo luận và phát huy sáng kiến tập thể. Cuối cùng thì phương án được cả làng nhất trí là: Bá Kiến nhất quyết phải được dựng dậy. Để cho lão quỳ được, phải buộc một khúc luồng thẳng đứng dọc theo xương sống lão. Khúc luồng được chôn vững xuống đất. Cái khó nhất là tìm ra cách đấu Lý Cường. Lúc bình tĩnh, có thể nghĩ làm một cái hình nộm hao hao giống Lý Cường là được. Nhưng lúc không khí thắng lợi đang sôi sục, cả làng Vũ Đại như ngu hết cả. Chẳng ai chịu nghĩ ra, chỉ lăm lăm nhảy vào đấu. Và quả thật, trong lúc chưa có giải pháp dứt khoát cho việc đấu Lý Cường, nhiều người đã sắp hàng tề chỉnh trước Bá Kiến và một lũ vợ của ông ta. Khi có ai đó hô “đấu đi”, thì lập tức những người đứng ở hàng đầu đã nhảy dựng vào. Giữa lúc ấy, chợt sắc sảo thông minh lóe trong đầu tôi, tôi hô:
– Dừng lại. Đã đấu thì đấu luôn thể.
Mọi người như đứng nghiêm cả lại, tỏ ý ngạc nhiên:
– Đấu luôn thể là thế nào?
Tôi tiếp tục nói lớn:
– Tôi. Tôi tình nguyện làm Lý Cường.
Và thế là điều sáng tạo đầu tiên trong đấu tranh của làng Vũ Đại được thực hiện. Một miếng gỗ mỏng, nhặt từ chuồng lợn, đem vào sân. Cả làng chặt, đẽo cho đến lúc miếng gỗ thành hình bầu dục, đường kính hai chiều bằng đường kính hai chiều của mặt người trung bình của làng Vũ Đại. Trên mặt miếng gỗ đó, mặt Lý Cường được làng dùng than gỗ vẽ lên.
Hình vẽ trên miếng gỗ bầu dục có giống mặt Lý Cường không? Không biết. Nhưng làng Vũ Đại đã vẽ mặt Lý Cường thì nhất định mặt đó phải là mặt Lý Cường. Làng Vũ Đại mãn nguyện hoàn toàn. Xong xuôi, tôi tự giác quỳ xuống cùng dãy với Bá Kiến và vợ con của y và ra lệnh:
– Đấu đi.
Bởi quá ngạc nhiên vì điều sáng tạo tôi thành Lý Cường, nên làng hỏi lại tôi:
– Đấu gì?
Tôi đang quỳ, bực mình cáu lên:
– Đấu gì cũng được.
Một ai đó hỏi thêm:
– Đấu như thế nào?
Đến nước ấy, thì chả ai còn chịu được nữa, tôi buộc lòng đứng phắt dậy, quát cả làng.
– Đấu như thế nào chả được. Ngu thế!
Quát xong, tôi lại tự giác quỳ xuống. Cả làng lại sôi sục lòng căm thù. Đủ các kiểu xỉa xói, đủ các kiểu đá móc, bạt tai, vặt tóc… quần trên thể xác bố con, vợ chồng nhà Bá Kiến.
Từ đó, không khí đấu tranh của cả làng bắt đầu chộn rộn hẳn lên. Trẻ, già, trai, gái, ai đấu hay ra đòn hiểm, ai kể càng nhiều tội ác của chúng, càng được cả làng vỗ tay, tán thưởng.
Thật nhục nhã cho Bá Kiến, Lý Cường và những bà vợ của ông ta. Ngày trước chả ăn hiếp của làng nữa đi!
Có lẽ nhờ chiến công dẹp tan lũ *** nhà Bá Kiến, và chịu kế khổ nhục cho cả làng sung sướng mà tôi được làng Vũ Đại lựa chọn lên làm lãnh đạo. Mà công bằng mà nói, lúc đó làng Vũ Đại có ai xuất sắc hơn tôi?
Này nhá:
Có ai căm thù thực dân đế quốc đến tận xương tủy như tôi? Làng Vũ Đại, có ai có dấu tích tội ác của chúng trên mặt mình như tôi? Cả làng có ai vô sản bằng tôi? Cả làng biết, có mấy khi tôi có đủ bộ quần áo nào lành lặn mặc trên người! Có mấy khi tôi có đủ ăn ngày hai bữa. Lại nữa, nhờ đi tù mà tôi cũng là người đầu tiên ở làng Vũ Đại biết ông râu xồm, ông đầu hói là ai. Vì thế, tôi cũng là người đầu tiên ở làng Vũ Đại biết lý sự về chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Và cuối cùng, ai là người có công lớn cướp chính quyền ở làng Vũ Đại, nếu người đó không phải là tôi…”
– Ông nhà báo thân mến! Tay Chí viết hồi ký như vậy có được không ạ?
– “Hay quá! Đúng quá! Chí lý quá!”. – Tôi phục thầm trong bụng mà chẳng dám bình phẩm gì. Vì không phải là tôi không biết thời thế, mà chính là cái đơn kiện của tay Chí, không, cụ Chí vẫn còn nằm nguyên trong túi tôi đây. Người ta sinh ra ai cũng có một lần sống, một lần chết. Cứ lấy chữ dại, chữ khôn mà suy xét cho một số phận thì chẳng biết dại hơn, hay khôn hơn. Cụ Chí nhà ta đấy, khôn gì, dại gì, cả làng đều biết. Nhưng mà dại gì thì cụ cũng đã là một vị đứng đầu làng Vũ Đại. Chả gì thì cụ cũng là người có danh, khối người trong chúng ta nhờ có cụ mà nên duyên, nên nghiệp.
Cụ Chí còn là một người có hậu nữa. Mấy chục năm sau cách mạng đã để lại cho đời ba cậu con trai, được cài cắm ở ba khu vực khác nhau. Cứ từ đám ma cụ mà suy ra, thì ba người con của cụ cũng xứng đáng là ba ông tổ của dòng họ Chí Phèo mới. Với kiểu cách trả thù của cụ Chí di truyền lại, hẳn họ sẽ sinh con đàn, cháu đống, nối dõi mãi mãi về sau.
Nhưng dù sao, cái đống đất lù lù ở nghĩa địa vẫn chế ngự tâm trí tôi rằng, thế là hết một đời ông tổ sư Chí. Nỗi oan ức của cụ tổ sư theo đất mà thành đất chăng? Tôi lại thò tay vào túi áo vân vê cái đơn kiện đã từ lâu của cụ. Nhưng mới đây, nhờ có ánh sáng đổi mới, nên đơn kiện của cụ mới được lấy từ kho lưu trữ ra để tra xét. Đơn cụ Chí kiện một ông Nam Cao nào đó, đã rất vô trách nhiệm khai tử cụ. Thực ra thì cụ vẫn sống, và sống rất oanh liệt nữa là khác. Thực thì cụ có rạch mặt ăn vạ làng, máu có chảy đầm đìa, nhưng cụ không chết. Thực là không chết. Sự thực nó vậy. Trong đơn cụ còn gào lên: “Nếu tôi đã chết, làng Vũ Đại làm sao có sự nghiệp cách mạng như hiện nay. Cả làng Vũ Đại còn đó, sao lại ngô ngọng khai tử tôi đi”.
Tôi thưa lại với Người kể chuyện sử làng Vũ Đại sự thật này và nói rõ nỗi niềm hối hận của mình rằng, nếu biết cụ Chí còn sống cho đến ngày hôm nay, tôi đã đính chính cho cụ rồi, để cụ chết được thanh thản.
Người kể chuyện sử nói:
– A! Hóa ra tay Chí khó chết, có lẽ còn có lý do đơn giản này nữa cũng nên. Lần sau kể chuyện, có lẽ tôi phải thêm chi tiết này vào nữa.
Tôi phàn nàn thêm:
– Tôi làm chuyện này cũng là việc công. Được thì tôi chẳng được gì. Nhưng dù sao lá đơn khiếu nại của cụ Chí cũng nằm trong túi áo tôi, tôi sợ cụ ấy oán.
Người kể chuyện sử khẳng định:
– Oán chứ còn gì nữa?
Tôi hốt hoảng:
– Làm sao bây giờ?
Người kể chuyện sử hiến kế:
– Theo tôi, anh cứ có ý kiến vào đơn khiếu kiện của tay Chí. Thắp hương mà viết, thành tâm vào, rằng: người khai tử hắn còn chết trước cả hắn. Bây giờ cả hai người đều xuống âm phủ. Hãy tìm đến nhau mà giải quyết…
Hay. Có lý. Tôi làm đúng như lời Người kể chuyện sử làng Vũ Đại.bảo. Tôi phê vào đơn hẳn hoi. Và để cho có tổ chức, tôi về cơ quan xin dấu đỏ của chính quyền đóng vào lời phê ấy. Sau đó, tôi trịnh trọng chọn ngày giờ tốt đến mộ cụ Chí đốt đơn và lời phê cùng cái dấu đỏ của chính quyền. Chỉ một loáng, tờ giấy bị lửa biến thành tro. Nhìn những tàn tro bay lên, rồi rơi nhẹ trở lại mộ cụ Chí, tự nhiên tôi rùng mình. Một ý nghĩ chua chát chợt đến với tôi: Chẳng lẽ một đời người sống cũng vô lý đến như tàn tro này chăng? Ta thì có thể. Nhưng cụ Chí thì không! Cụ Chí, trước khi nhắm mắt xuôi tay, đã kịp để lại một sự nghiệp vàng son cho dân làng Vũ Đại, mà ngày nay, ai muốn biết cũng có thể sờ thấy được. Cụ Chí đáng sống một đời lắm rồi!
Ấy là một đêm trăng rằm, trời sáng. Từ mộ cụ Chí đi về, chân bước nhưng mắt tôi luôn ngước nhìn về phía trời cao. Trời đầy sao sáng. Thỉnh thoảng lại có vì sao đổi ngôi, để lại trên nền trời những vạch sáng nhỏ. Ấm áp từ trăng tỏ xuống lòng tôi. Kìa, những vì sao đang nhấp nháy như muốn nhỏ lệ xuống mặt đất này. Tôi có cảm giác như ngàn vạn vì sao trên trời lúc này như đang âm thầm khóc. Có lẽ sao khóc cho một sự tang tóc, bất công nào đó ở đời này…
Ôi! Những vì sao chứa chan ánh sáng… Bất chợt, trong đêm vắng, tôi nghe bước chân của mình đang nện thình thịch trên mặt đất. Và từ lòng đất vang lên lời trối trăng cuối cùng của cụ Chí:
– Cách mạng muôn năm.
– Từ lòng đất vọng lên ư? – Người kể chuyện sử giật mình hỏi lại:
– Vâng! Tôi nghe rành rọt thế. Mà ông biết rồi còn gì, xưa nay chỉ có cách mạng mới có khả năng thay đổi cuộc sống cũ mèm, bệnh hoạn.
– Cái tay Chí vẫn khôn lắm! Hắn yêu cách mạng đến thế là cùng?
– Thì cách mạng cho hắn tất cả mà lại!
– Nhưng cách mạng cũng phải có điểm dừng chứ? Lúc nào cũng mong cách mạng thì xã hội nát bét chứ còn gì?
Phần II –
II. Nhà nông cự phách
Một lần tôi đi công tác loanh quanh trong làng Vũ Đại. Nhìn thấy tôi thấy, hai người đàn ông – một già, một còn trẻ – đang ngồi ở một quán nước ven làng reo lên: “A! Nhà báo!”. Và lập tức họ dúi vào tay tôi hai bức ảnh – một đã quá mờ, nhìn không thấy gì rõ ràng. Khi tôi đang xem bức ảnh mờ, một người hỏi:
– Anh có nhận ra điều gì không?
Tôi thú nhận:
– Các bác ạ! Ngay cả dòng chữ dưới ảnh, tôi cũng khó đọc nổi.
Người nông dân đưa cho tôi bức ảnh khác, rồi hỏi:
– Bức này thì thế nào?
– Bức ảnh này có rõ hơn – Tôi trả lời.
– Bức ảnh này, anh có nhận ra điều gì không? – Một người nông dân hỏi?
– Điều gì? – Mắt tôi vừa dán vào bức ảnh, đầu tôi vừa suy xét: “điều gì?”.
Là nhà báo, chỉ viết là chính, nhiếp ảnh, hội họa không rành, tôi thường đọc lời “chú” dưới ảnh, rồi sau đó mới dám nhận xét. Do bức ảnh mờ, nên tôi phải căng mắt ra mới đọc nổi lời “chú”: “Nông nghiệp 1A phá cửa ải năm tấn”.
– Một bức ảnh về nông nghiệp – Tôi vẫn trả lời một cách mập mờ. Thực, nhìn trên bức ảnh chỉ có hai chi tiết đáng chú ý, đó là hai người đàn ông đang chụm tay vào nâng một bông lúa. Bông lúa thì không có gì để bàn, cái chính là ở hai con người này. Quả, tôi có ngờ ngợ về họ. Nhìn qua khuôn mặt, tôi thấy quen quen. Nếu có chú thích đi cùng, tôi có thể lướt nhanh và xác định được chính xác họ là ai. Nhưng, bức ảnh đăng trên báo Đồng Bào, cơ quan ngôn luận Trung ương của làng Vũ Đại – được hai người đàn ông cắt ra, cất giữ cũng khá lâu, vẻn vẹn chỉ có chú thích: “Nông nghiệp 1A, phá cửa ải năm tấn”, nên tôi trả lời cũng phải thận trọng. Và để khỏi bị hai bác nông dân dồn vào thế bí, tôi đánh bài “vấn” lại hai bác:
– Nói vô phép các bác, tôi thấy hai người này, một có lẽ là cụ Chí, hai là bác Thanh đây. Nhưng có gì đáng chú ý? Và cái chính là chuyện gì ở đây? Các bác muốn nói chuyện gì ở đây?
Nghe tôi nói thế, hai người nông dân mắt trợn lên, ra chiều ngạc nhiên lắm! Bởi vậy, tính tò mò nghề nghiệp của tôi càng được kích thích. Lúc đó, tôi quan sát thấy người trẻ tuổi đã há miệng ra như muốn nói toạc hẳn ra chuyện gì, nhưng đã bị người già hơn ngăn lại, bằng một câu hỏi tôi:
– Anh có thạo nông nghiệp không?
Là phóng viên viết nhiều về nông nghiệp, tôi trả lời:
– Cũng hiểu biết tàm tạm, hai bác.
Một người nói:
– Vậy, anh thử xem cái bông lúa, hai người đàn ông trong ảnh chụm tay giơ cao nó lên, là loại giống lúa gì?
Tôi dán mắt nhìn bông lúa một lúc, rồi thành thật thưa lại với hai bác:
– Chịu! Thú thật với hai bác là em chịu. – Thực ra, thì tôi cũng đã ngờ ngợ – Nhưng có chuyện gì ở đây, hai bác.
Người nông dân già hơn hạ giọng trả lời tôi:
– Chuyện gì à anh! Nó là số phận của chúng tôi, số phận trung thực, và cả số phận của sự đổi mới nữa đấy…
Câu chuyện của hai người nông dân bắt đầu. Người nông dân trẻ tuổi nói:
– Tôi tự giới thiệu. Tôi tên là Hải, nguyên là trợ lý về nông nghiệp cho cụ Chí.
– Còn đây là bác Thanh, nguyên chủ nhiệm hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Cả hai chúng tôi và nhiều người nữa có kỷ niệm “mật thiết” với bức ảnh này, mà muốn quên cũng không thể được. Một kỷ niệm cay đắng, khó quên. Tôi xin nói trước, có gì bác Thanh kể thêm vào sau:
– Phải nói rằng, trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sau ngày miền Nam giải phóng, cuộc cách mạng về giống lúa chưa có thành tựu tốt như bây giờ. Vai trò của các Viện khoa học Nông nghiệp chưa có vị trí như bây giờ. Nó thường đứng sau vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng làng Vũ Đại. Cụ Chí, người đứng bên trái bức ảnh được mệnh danh là “Lão tướng nông nghiệp” của làng. Trong một chuyến đi tham quan về phía Nam, ông đã đem giống lúa nông nghiệp 1A về. Sau một vụ khảo nghiệm trên đồng ruộng, cụ thấy năng suất lúa cũng khá. Cụ sướng lắm! Cụ lệnh cho tất cả các cơ quan khoa học, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, các chi bộ, Đảng ủy, phải “1A hóa đồng ruộng”. Cụ còn thể hiện quyết tâm của mình bằng một nghị quyết, có ghi: “Phá cửa ải năm tấn không có con đường nào khác là lấy giống lúa 1A”. Cụ Chí đi tới vùng quê nào cũng ra lệnh: “Bất luận đồng đất thế nào, cũng phải cấy giống lúa 1A”.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian